Mang thai ngoài tử cung, hay còn được gọi là thai ngoài tử cung, là một hiện tượng bất thường trong thai kỳ. Trong trường hợp này, phôi thai không được phát triển trong tử cung như thông thường (còn gọi là thai dạ con), mà được bám vào một vị trí khác trong cơ thể, thường là ống dẫn trứng. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, sự phát triển của thai nhi có thể gây vỡ ống dẫn trứng. Hậu quả là xuất hiện chảy máu bên trong và có nguy cơ đe dọa tính mạng của người mẹ.
Nhằm đối phó và ứng phó hiệu quả với tình trạng thai ngoài tử cung, việc trang bị kiến thức về vấn đề này là điều cần thiết. Bài viết này sẽ giúp các bạn có phương pháp phòng ngừa cũng như biết cách xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra.
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là trường hợp thai làm tổ ở nơi khác, bên ngoài buồng tử cung, thường gặp nhất là làm tổ ở vòi trứng. Ngoài ra thai có thể làm tổ ở các nơi như buồng trứng, ổ bụng, sừng tử cung, cổ tử cung… Những trường hợp mang thai ngoài tử cung, phôi thai sẽ không thể sống và phát triển.
Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5 phần ngàn, tức là cứ 1.000 người có thai thì sẽ có từ 4 đến 10 người có thai ngoài tử cung. Những người đã từng có thai ngoài tử cung sẽ có khả năng gặp biến chứng này.
Thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?
Hậu quả đầu tiên của thai ngoài tử cung chính là thai sẽ không thể sống sót và phát triển bình thường. Việc đình chỉ thai là điều bắt buộc đối với các trường hợp này.
Nặng nề hơn, khi không được phát hiện và xử lý kịp thời, biến chứng này sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người mẹ. Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào, khi vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, nếu không được đưa đến bệnh viện sớm có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu sống được cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung
Có nhiều nguyên nhân gây ra thai ngoài tử cung, phổ biến nhất là vòi trứng viêm nhiễm hoặc có sẹo (do đã từng nạo phá thai hoặc thực hiện các phẫu thuật khác trước đó). Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: khối u phần phụ (u nang buồng trứng,..), một số bệnh lý bất thường về hình thái hoặc hoạt động của ống dẫn trứng, cơ quan sinh sản khác,…
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, phụ nữ sẽ có nguy cơ thai ngoài từ cung cao hơn nếu:
- Trên 35 tuổi
- Hút thuốc lá nhiều trước khi mang thai
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, chlamydia… có thể gây viêm ống dẫn trứng và làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu thụ thai xảy ra sau khi bạn đã thắt ống dẫn trứng hoặc đặt vòng tránh thai thì nguy cơ mang thai ngoài tử cung xảy ra rất cao.
- Việc dùng thuốc cải thiện khả năng sinh sản hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được chứng minh là làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu nhận biết sớm thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung nhưng chưa vỡ
Đối với trường hợp này, người bệnh sẽ có một hoặc nhiều các biểu hiện sau:
- Trễ kinh hoặc rong huyết: một số trường hợp người bệnh bị trễ kinh, mất kinh nhưng cũng có một số trường hợp người bệnh có thể ra huyết trước ngày hành kinh rồi kéo dài, lượng máu ít, bầm đen và không đông lại.
- Đau bụng: Đau âm ỉ một bên ở vùng bụng dưới, thỉnh thoảng có cơn đau nhói.
Đau bụng âm ỉ một bên ở vùng bụng dưới là dấu hiệu sớm của TNTC
Thai ngoài tử cung nhưng chưa vỡ rất khó để chẩn đoán nếu chỉ thăm khám bên ngoài, xét nghiệm HCG hoặc siêu âm. Nồng độ HCG chỉ phản ánh việc bệnh nhân có thai hay chưa, không phản ánh vị trí thai. Về siêu âm hoặc thăm khám, khi đó túi thai còn quá nhỏ để có thể xác định rõ khi sờ hoặc nhìn qua màn hình siêu âm. Nội soi ổ bụng là phương pháp hiện đại, an toàn và chuẩn đoán chính xác thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu nhận biết vỡ thai ngoài tử cung
Khi thai ngoài tử cung vỡ, người bệnh thường có các biểu hiện sau:
- Cũng trễ kinh hoặc rong huyết
- Đau nhói dữ dội, người bệnh cảm thấy rất mệt, có thể ngất xỉu
- Mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt thấp.
- Khi thăm khám sẽ thấy túi cùng căng đau, chọc dò cùng đồ sẽ rút được máu đen, loãng và không đông.
- Siêu âm sẽ thấy cùng đồ có máu, ổ bụng có máu
Đối với tình trạng vỡ thai ngoài tử cung, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Cần làm gì để tránh các biến chứng nghiệm trọng do thai ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung khi vỡ sẽ gây biến chứng rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, cần phát hiện và xử lý sớm nhất tình trạng này.
Phụ nữ có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai cần chú ý chu kỳ kinh nguyệt của mình để nhận biết sớm thai ngoài tử cung bằng các dấu hiệu như:
- Trễ kinh, thử nước tiểu thấy có thai
- Rong kinh, ra huyết bất thường
- Đau bụng âm ỉ, liên tục
Khi nghi ngờ mình gặp tình trạng thai ngoài tử cung, cần nhập viện cấp cứu sớm nhất có thể và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại của mình.
Cần nhập viện sớm nhất khi nghi ngờ mình gặp tình trạng TNTC
Trong thời gian thăm khám bệnh, bệnh nhân cần:
- Liệt kê các triệu chứng không bình thường mà mình đang gặp phải: rong kinh, đau bụng,….
- Kể rõ nếu trước đây bản thân đã từng bị bệnh phụ khoa, đã từng nạo phá phai hay các phẫu thuật khác ở phần bụng, điều trị bệnh vô sinh,…
Thai ngoài tử cung là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm và khó phòng tránh, phụ nữ cần trang bị cho mình kiến thức để bảo vệ bản thân không gặp nguy hiểm nếu không may mắc phải. Ngoài ra, nếu chưa muốn có con, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, không được nạo phá thai bừa bãi vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung sau này.
Quỳnh Lâm tổng hợp