Sunday, April 20, 2025
HomeSức khỏe thai kỳBa tháng giữaEm bé phát triển như nào trong ba tháng giữa

Em bé phát triển như nào trong ba tháng giữa

Ba tháng giữa của thai kỳ (bắt đầu từ tuần 13 đến tuần 28) thường xem như là giai đoạn tuyệt vời nhất trong trải nghiệm của người mẹ. Vào thời điểm này, triệu chứng nghén hầu như đã biến mất. Đồng thời thời kì này bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy chuyển động lật và xoay của bé trong tử cung của bạn. Đặc biệt nhờ kĩ thuật siêu âm, bác sỹ cho bạn thấy hình dáng, khuôn mặt bé thời điểm này. Cùng Babymomcare tìm hiểu những gì xảy ra trong ba tháng giữa này nhé. Lưu ý rằng các con số sinh trắc của bé dưới đây chỉ là ước lượng tham khảo.

Sự phát triển của thai nhi trong ba tháng giữa

Tuần thứ 13 – 14

Em bé bắt đầu đi tiểu và bộ phận sinh dục phát triển rõ

  • Tuần thứ 13,  em bé của bạn bắt đầu đi tiểu vào dịch ối đồng thời cũng bắt đầu nuốt một ít nước ối này. Dây thanh âm hình thành và phần đầu của bé bắt đầu phát triển cân đối với cơ thể.
  • Tuần thứ 14, bộ phận sinh dục ngoài đã phát triển đầy đủ hơn. Da của em bé bắt đầu dày lên và tóc bắt đầu mọc. Có thể bắt đầu đưa ngón tay lên miệng và quay đầu, nhưng lúc này các cử động còn quá nhỏ để bà mẹ có thể cảm nhận được. Các tế bào hồng cầu đang hình thành trong lá lách của bé.
  • Giới tính của em bé xác định sẽ rõ ràng trong vài tuần tiếp theo. Lúc này, em bé của bạn có thể dài gần 87 mm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 45 gam.

Tuần thứ 15 – 16

Nụ cười và cái chớp mắt đầu tiên

  • Tuần thứ 15, em bé bắt đầu thực hiện các cử động có chủ đích hơn, chẳng hạn như mút ngón tay cái hoặc mỉm cười. Một số cơ quan như phổi và ruột đang bắt đầu phát triển. Tóc của bé cũng đang hình thành.
  • Tuần thứ 16, tai em bé đã phát triển đến mức đủ để có thể nghe bạn nói. Mặc dù nhắm mắt, em bé vẫn có thể phản ứng với ánh sáng bằng cách quay lưng lại với ánh sáng. Da của bé ngày càng dày hơn. Các cử động chân tay của bé đang trở nên phối hợp nhịp nhàng và có thể được phát hiện khi siêu âm. Tuy nhiên, những chuyển động này vẫn còn quá nhỏ để bạn có thể cảm nhận được.
  • Lúc này, em bé của bạn có thể dài hơn 120 mm tính từ đầu đến mông và nặng gần 110 gam. Kích thước bé khoảng chừng bằng quả bơ.

Tuần thứ 17 – 18

Bé bắt đầu nghe được rõ hơn.

  • Tuần thứ 17, da bé tuy vẫn còn mỏng nhưng sẽ bắt đầu tích mỡ. Nó bắt đầu được bao phủ bởi một lớp giống như sáp màu trắng gọi là vernix caseosa – còn gọi là chất gây. Chất này được cho là có tác dụng bảo vệ da bé khỏi tiếp xúc lâu dài với nước ối. Em bé của bạn đang trở nên năng động hơn, lăn và lật nhiều hơn. Trái tim nhỏ bé này có thể bơm khoảng 100 lít máu mỗi ngày.
  • Tuần thứ 18, tai của bé nhô ra rõ ở hai bên đầu, bắt đầu nghe thấy âm thanh rõ ràng hơn. Mắt dần chuyển hướng về phía trước. Da bé giờ đây được bao phủ bởi lớp lông tơ – giống như lông tơ của trái đào. Nó giúp giữ ấm cho bé cũng như tạo thêm lớp bảo vệ khác. Em bé giờ đã có chu kỳ ngủ – thức đều đặn và những tiếng động lớn có thể đánh thức bé dậy khi đang ngủ. Hệ tiêu hóa của bé đã bắt đầu hoạt động.
  • Lúc này, em bé của bạn có thể dài 140 mm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 200 gam.

Lớp lông tơ da bé giống như lông tơ của trái đào

Tuần thứ 19 – 20

Em bé hoàn thành nửa chặng đường của mình.

  • Tuần thứ 19, bé đã có bộ dấu vân tay của riêng mình. Lớp chất gây bao phủ lấy em bé tiếp tục dày hơn giúp bảo vệ làn da mỏng manh của bé khỏi trầy xước, nứt nẻ và xơ cứng do tiếp xúc với nước ối. Đối với bé gái, tử cung và ống âm đạo đang dần hình thành.
  • Tuần thứ 20, móng tay bé mọc dần trùm kín các ngón tay. Vùng não chịu trách nhiệm về năm giác quan bắt đầu phát triển.
  • Lúc này, em bé của bạn có thể dài khoảng 160 mm tính từ đầu đến mông và nặng hơn 320 gam.

Tuần thứ 21 – 22

Tủy sản xuất tế bào máu.

  • Tuần thứ 21, các cử động chân tay được phối hợp và thường xuyên hơn những tuần trước. Các tế bào máu đã được sản xuất tại tủy xương của em bé.
  • Tuần thứ 22, bé bắt đầu nắm chắc hơn và có thể chạm vào tai và dây rốn. Đối với bé trai, tinh hoàn đã bắt đầu di chuyển trong ổ bụng để xuống phía dưới.
  • Lúc này, em bé của bạn có thể dài 190 mm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 460 gram.

Tuần thứ 23 – 24

Phổi đã được phân chia cây phế quản đầy đủ.

  • Tuần thứ 23 và 24, phổi của bé đã phân chia đầy đủ nhưng là chưa đủ để hoạt động độc lập bên ngoài cơ thể mẹ. Da của em bé mỏng, trong mờ, nhăn nheo và có màu hồng đến đỏ vì có thể nhìn thấy các mao mạch. Trong những điều kiện chung, hầu hết bà mẹ nhận biết cử động thai đều đặn sau 24 tuần. Cũng vì do yếu tố chủ quan, có một tỷ lệ nhỏ (dưới 10%) bà mẹ không nhận biết được cử động thai.
  • Vào cuối tuần này, mí mắt bắt đầu tách ra và có thể thấy cử động chớp đều đặn. Bé phản ứng với âm thanh quen thuộc bên ngoài bằng cách cử động hoặc tăng nhịp tim.
  • Em bé có thể dài khoảng 210 mm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng hơn 630 gram.

Hầu hết bà mẹ nhận biết cử động thai đều đặn sau 24 tuần.

Tuần 25 – 26

Phổi đã hình thành các phế nang

  • Tuần thứ 25, cơ thể tích nhiều mỡ hơn khiến da bé bớt nhăn nheo và dày dặn hơn. Hệ thống thần kinh của đang nhanh chóng trưởng thành.
  • Tuần thứ 26, phổi của bé bắt đầu tạo ra Surfactant – chất hoạt động bề mặt. Surfactant giúp bề mặt màng phế nang ổn định, giảm sức căng bề mặt. Điều này giữ cho phế nang không bị xẹp và dính vào nhau. Đây là một chất giúp bé thở sau khi sinh.
  • Lúc này, em bé của bạn có thể dài 230 mm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng gần 820 gram.

Tuần thứ 27 – 28

Kết thúc ba tháng giữa thai kỳ.

  • Hai tuần này đánh dấu sự kết thúc của tam cá nguyệt thứ hai. Ở tuần thứ 27 – 28, hệ thống thần kinh của em bé từng bước trưởng thành. Bé phát triển lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, điều này giúp làn da trông mịn màng hơn. Em bé thường xuyên vận động thay đổi vị trí và phản ứng với các kích thích, bao gồm âm thanh và ánh sáng.
  • Vào cuối giai đoạn này, bé dài khoảng 368 mm và nặng từ 1133 gram.

Kết luận

Trong ba tháng giữa này, em bé của bạn phát triển bắt đầu trông giống hình người hơn. Chỉ mấy tháng trước bé của bạn chỉ là một cụm tế bào. Bây giờ bé đã có các cơ quan, dây thần kinh và tương tác lại với kích thích từ bên ngoài. Bạn cùng gia đình nên nhớ rằng , giai đoạn này có những mốc khám thai vô cùng quan trọng. Đặc biệt là thời điểm siêu âm 3D/4D đánh giá hình thái của bé nhằm sàng lọc những dị tật. Cuối cùng khi có bất kì điều gì bất thường, đừng ngại đến cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Phổ biến

Bình luận mới nhất