“Anh ơi, chúng mình có con rồi!” là một trong những câu nói mang đến bao niềm hạnh phúc và sung sướng cho những ai đang ngóng trông có thêm thành viên mới trong gia đình. Nhưng cũng là cơn ác mộng, nỗi lo lắng đối với những cặp chưa sẵn làm cha mẹ, hay những đôi tình nhân trẻ vô tình có thai ngoài ý muốn bởi vì không làm chủ được mình khi yêu.
Điều này khiến không ít người rơi vào những tình huống khó xử và quyết định phá thai để cuộc sống không bị xáo trộn. Có nhiều người lầm tưởng rằng việc phá thai vô cùng đơn giản, nhanh gọn và không để lại quá nhiều di chứng. Thế nhưng, việc nạo phá thai phức tạp hơn rất nhiều và để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm.
Tình trạng nạo phá thai hiện nay
Theo ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021(SDGCW Việt Nam 2020-2021) cho thấy:
- Tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ).
- Nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ)
- Nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ).
- Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi (1 lần/1.000 phụ nữ)
Ngoài ra, theo báo cáo từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên.
Hệ lụy của việc phá thai nhiều lần
Ảnh hưởng đến tâm lý:
Đối với phụ nữ, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, việc phá thai là một điều khó chấp nhận về mặt đạo đức và mang đến những sang chấn tâm lý khôn lường. Rất nhiều trường hợp sau khi nạo phá thai thường có biểu hiện trầm cảm: tập trung kém, mệt mỏi, chán nản, đôi lúc có hoang tưởng. Các dấu hiệu và triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu việc nạo phá thai không xuất phát từ chính người mẹ. Đây cũng là nguyên nhân làm khiến nhiều phụ nữ có hành động tự làm đau bản thân hơn sau khi nạo phá thai.
Ảnh hưởng về sinh lý:
Viêm nhiễm phụ khoa
Tiềm ẩn đầu tiên mà khi nạo phá thai nhiều lần chính là nguy cơ viêm nhiễm ở bộ phận sinh sản. Nạo phá thai nhiều lần khiến cổ tử cung trở nên nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, một số chị em thường vì ngại ngùng và mặc cảm nên đã lựa chọn thực hiện phá thai tại các trung tâm y tế không uy tín. Dụng cụ y tế tại các trung tâm này thường không vệ sinh sạch sẽ và khử trùng trước khi làm thủ thuật, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây viêm cơ quan sinh sản bao gồm âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vùng chậu và nghiêm trọng hơn là lây sang các vùng khác.
Dính buồng tử cung
Dính buồng tử cung là một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc nạo phá thai nhiều lần. Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức mà diễn biến dần theo thời gian. Khi bị dính buồng tử cung, quá trình tái tạo lớp nội mạc chức năng sau khi kết thúc chu kỳ kinh gặp nhiều khó khăn, gây cản trở quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh. Khi tình trạng này không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình tỉ lệ sảy thai cao, gây ra vô sinh, mất đi khả năng mang thai và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Băng huyết đe doạ tính mạng
Tình trạng băng huyết sau khi nạo phá thai cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Thông thường, sau khi phá thai, triệu chứng ra máu sẽ diễn ra trong vòng 5-10 ngày. Lượng máu sẽ giảm dần và cho đến khi hết ra máu. Đồng thời, tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của mỗi người mà trường hợp ra máu có thể kéo dài thêm vài ngày nữa.
Tuy nhiên, nếu sau 2 tuần phá thai mà máu vẫn ra nhiều thì có khả năng cao là do viêm nhiễm buồng tử cung, cổ tử cung hay âm đạo. Điều này vô cùng nguy hiểm và nếu không tiến hành xử lý ngay có thể dẫn đến tử vong vì một số tai biến.
Quy định của Pháp luật về việc phá thai
Theo quy định của Pháp luật hình sự, công dân từ 18 tuổi trở lên hoàn toàn có thể đi phá thai và chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân. Ngoài ra, theo phần 8 về Phá thai an toàn tại Quyết định 4128/QĐ-BYT ban hành 2016 phê duyệt tài liệu Hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.
Thực tế, pháp luật hiện nay chưa có quy định xử phạt đối với người phá thai. Vì vậy, có thể xem đây là một quyền của người phụ nữ và lựa chọn thực hiện hay không tùy thuộc vào quyết định của bản thân mỗi người. Riêng trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính sẽ hoàn toàn bị nghiêm cấm và có những xử phạt theo quy định của pháp luật.
Giải pháp hạn chế những hệ lụy của nạn phá thai
Để giảm thiểu tình trạng nạo phá thai hiện nay, các cặp đôi cần nâng cao ý thức và tìm hiểu về các biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả nhất. Với trường hợp, có thai ngoài ý muốn thì hãy tìm đến các bác sĩ và trung tâm y tế uy tín để được tư vấn và thực hiện phá thai an toàn, tránh những hệ lụy về sức khỏe.
Đối với trẻ vị thành niên, gia đình và nhà trường là những người gần gũi với các em nên thường xuyên trò chuyện, tổ chức các hoạt động giao lưu chia sẻ kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn tiền hôn nhân. Với các chủ đề như tình bạn, tình yêu, những băn khoăn trong cuộc sống hay những địa chỉ tin cậy đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, khi hiểu và có kiến thức về sức khỏe sinh sản, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và có những hành vi đúng mực trong các mối quan hệ. Từ đó, hạn chế việc có thai ngoài ý muốn và rơi vào hoàn cảnh phải đi phá thai, dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.
Tổng kết
Có thể thấy, nạo phá thai vẫn luôn là vấn đề nhức nhối xã hội. Việc phá thai nhiều lần và không an toàn để lại rất nhiều di chứng và làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình về sau. Vì vậy, cần suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi quyết định phá thai, hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín, được cấp phép hoạt động để giảm thiểu tối đa rủi ro cho bản thân.
Đối với trẻ vị thành niên, nạo phá thai là rào cản cho tâm lý và tương lai của các em; do đó, các bậc cha mẹ cần giáo dục, phổ biến kiến thức về sức khẻo sinh sản, lối sống có trách nhiệm vởi bản thân, gia đình và xã hội.
Quốc Bảo tổng hợp