Ba tháng đầu thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt đầu tiên) tính từ lúc có thai đến khi thai được 13 tuần 6 ngày. Khi quá trình thụ thai và làm tổ ở trứng diễn ra, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi về mặt sinh lý, bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu thai nghén rất thường gặp. Các dấu hiệu này thường biến mất khi thai được 12 -14 tuần tuổi. Hãy cùng Babymomcare tìm hiểu để nhận biết sớm dấu hiệu mang thai các mẹ nhé!
Nghén – Các thay đổi liên quan đến hệ tiêu hóa và các giác quan:
Nghén
Bạn có biết? Có đến 85% các mẹ trải qua các cơn buồn nôn và nôn ói khi mang thai 3 tháng đầu. Đây cũng là một trong những dấu hiệu mang thai sớm trong vài tuần đầu tiên. Thời điểm khởi phát thường vào tuần thứ 5 – 6, nặng nhất là tuần thứ 9. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng quá, khoảng 85% – 90% các mẹ thấy triệu chứng giảm dần và mất hẳn trước tuần thứ 16 của thai kỳ. Một số ít trường hợp các mẹ bị triệu chứng buồn nôn này “theo” đến tận lúc sinh (10-15% trường hợp đặc biệt có triệu chứng kéo dài tam cá nguyệt thứ 3, 5% kéo dài đến khi đủ tháng). Và nghén nặng chỉ gặp ở khoảng 3% sản phụ. Khi nôn nghén quá nhiều, bạn thấy mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế.
Thay đổi khứu giác – Nhạy cảm với mùi hương
Nhiều mẹ khẳng định mũi của mình đặc biệt nhạy khi mang thai, nhất là lúc mang thai 3 tháng đầu. Có thể lý giải rằng điều này giúp bạn phát hiện và tránh xa khỏi các loại thực phẩm không đảm bảo và chất độc có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi trong thời kỳ phát triển quan trọng. Khứu giác quá nhạy cảm này thường dịu dần đi sau vài tháng.
Thay đổi vị giác – Chán hay thèm ăn thứ gì đó:
Nếu vào một ngày mới bắt đầu, bạn thức dậy và thấy buồn nôn khi nhìn thấy tô phở hay bánh mì kẹp thịt – những món mình yêu thích, đồng thời thèm ăn món ngũ cốc mà trước đây chẳng bao giờ ăn, rất có thể bạn đã có em bé. Bạn dễ bị kích thích thèm ăn đối với một số loại thực phẩm, đồng thời không hứng thú với những loại khác. Điều này đã được khá nhiều mẹ khi mang thai xác nhận. Ngoài ra, một trong những dấu hiệu mang thai sớm là biểu hiện loạn vị giác khiến nhiều người cảm giác như mình ngậm miếng kim loại trong miệng. Mùi vị kỳ lạ này kéo dài dai dẳng trong miệng, lưu lại sau ăn từ 30 phút đến 2 giờ. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi qua giai đoạn đầu của thai kỳ lúc nội tiết tố đã ổn định và cơ thể đã “quen” với sự xuất hiện của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, một số mẹ cảm thấy chứng loạn vị giác này kéo dài đến khi sinh, và phải học cách sống chung với nó.
Nguyên nhân gây ra các triệu chứng này không thực sự rõ ràng và hormone thai kỳ human Chorionic Gonadotropin (hCG) được cho là thủ phạm chính. Khi cơ thể có càng nhiều hormon này, cảm giác buồn nôn của bạn sẽ tăng lên. Ngoài ra, có thể có vai trò của nồng độ estrogen tăng khi mang thai có ảnh hưởng đáng kể đến vị giác của chúng ta.
Ra máu âm đạo:
Trên thực tế, khoảng 25 – 30% phụ nữ mang thai bị ra máu trong vài ngày đầu của thai kỳ. Nhiều người dễ nhầm lẫn chảy máu này với chảy máu kinh nguyệt. Bạn hãy để ý số lượng và màu sắc của máu. Ra máu báo hiệu có thai thường ít, có màu nâu hoặc đỏ nhạt chứ không phải đỏ sậm như máu trong hành kinh. Trong trường hợp bạn ra máu bất thường (số lượng nhiều và máu có màu đỏ tươi) thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.
Nguyên nhân là do khi trứng đã được thụ tinh (hay còn gọi là hợp tử) làm tổ sâu hơn vào niêm mạc tử cung – đã được chuẩn bị cho mang thai – sẽ làm xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo.
Dấu hiệu trên da
Tăng sắc tố:
Xuất hiện sắc tố ở da, mặt, bụng – dấu hiệu thường gặp ở 90% phụ nữ mang thai và thường rõ hơn ở người có nước da sẫm màu (nghiên cứu của Ikino, 2015). Những mảng màu nâu không đều ở mặt và cổ gây sạm hay nám da. Bên cạnh đó, bụng sẽ có sự xuất hiện một đường sắc tố nâu (ở đường giữa bụng), gọi là Linea nigra. Nhưng bạn đừng lo, không chỉ mình bạn mà cả những siêu sao, siêu mẫu cũng không ngoại lệ. Sau khi sinh, những thay đổi sắc tố này thường biến mất hoặc ít nhất là mờ đi đáng kể.
Rihanna – Ca sĩ nổi tiếng không ngại khoe Linea nigra khi mang thai
Vết rạn da:
Trong một nghiên cứu phụ nữ mang thai, khoảng 70% phụ nữ mang thai xuất hiện vết rạn trên bụng, 33% xuất hiện vết rạn trên ngực, và 41% xuất hiện vết rạn ở hông và đùi (Nghiên cứu Picard 2015).
Nổi mụn:
Thời điểm ba tháng đầu thai kỳ, do sự thay đổi và hoạt động mạnh của nội tiết khi có thai, điều này dẫn đến các tuyến tại da sản xuất nhiều chất dầu hơn và mụn sẽ xuất hiện. Mụn có khả năng biến mất một thời gian sau đó, nhưng mụn có thể làm chúng ta cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, ngay từ lúc này, bạn có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu tối đa sự hiện diện của mụn bằng các cách sau đây:
- Không sờ chạm, cọ xát trên da;
- Sử dụng các loại sản phẩm dưỡng ẩm, kem dưỡng để tránh da khô – nhưng đặc biệt nhớ rằng khi dùng bất cứ sản phẩm nào khi mang thai đều có khả năng ảnh hưởng đến bé, vì vậy trước khi sử dụng bạn cần có tư vấn từ bác sỹ.
Dấu hiệu trên vú:
Đầu tiên, bạn sẽ thấy kích thước vú to lên, quầng vú rộng ra, màu sắc đậm hơn; núm vú lớn lên, cương cứng hơn và thâm lại; hạt Montgomery nổi rõ; nổi các đường tĩnh mạch màu xanh có thể thấy ngay dưới da. Các dấu hiệu này thường xuất hiện rõ rệt kể từ sau tháng thứ hai (từ tuần thứ 5).
Hạt Montgomery trên vú.
Ngoài ra, trong thời kì đầu mang thai, bạn thường cảm thấy căng tức và dị cảm ở ngực. Tin tốt là sau 3 tháng đầu thai kỳ, triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn vì cơ thể bạn đã điều chỉnh làm quen với thay đổi nội tiết này.
Dấu hiệu thay đổi về mặt tâm lý:
Tính tình dễ bị kích thích, buồn ngủ, ngủ không tròn giấc, hay mệt mỏi, tâm trạng thất thường. Có những lúc cảm thấy trống rỗng, tụt cảm xúc hay lo lắng muốn thu mình lại, nhưng có lúc lại hưng phấn, dễ tức giận, muốn la hét, cũng có khi thấy thật hạnh phúc – tất cả những điều này đều góp phần tạo nên sự xáo trộn mạnh mẽ cảm xúc của bạn. Lúc này, bạn hãy tìm kiếm chia sẻ và cảm thông từ gia đình, bạn bè hay chính từ các mẹ đang mang thai khác, cả ngoài đời hay trên mạng xã hội sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý hơn đấy. Đặc biệt các anh chồng cần gần gũi, quan tâm và thấu hiểu người vợ hơn.
Những thay đổi của cơ thể gây ra những triệu chứng khác nhau của thai kỳ, đồng thời cũng khiến cảm xúc của bạn thăng trầm cùng những biến chuyển đó. Cố gắng đừng lo lắng quá mức và đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ bác sĩ ngay khi bạn có khúc mắc về những gì mình đang trải qua. Đặc biệt nếu bạn gặp phải trường hợp không thể kiểm soát những cơn stress, nỗi lo, buồn chán, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để tránh rơi vào trạng thái trầm cảm khi mang thai.
Sự thấu hiểu và sẻ chia từ người chồng vô cùng quan trọng
Đi tiểu thường xuyên hơn
Thường gặp nhất là đi tiểu nhiều lần, đi tiểu vào ban đêm. Ngay cả khi bạn chưa thấy bụng mình lớn lên thì tử cung bạn vẫn đang phát triển và “lấn chiếm chỗ”. Điều này gây chèn ép lên bàng quang ở phía trước, thêm vào đó thận cũng làm việc tích cực hơn để tống chất thải ra khỏi cơ thể bạn. Kết quả là nhu cầu đi tiểu trở nên thường xuyên hơn trong cả ngày lẫn đêm và việc này là biến đổi sinh lý chứ không do bạn mắc bệnh nào. Bạn lưu ý rằng điều đó không đồng nghĩa việc phải uống ít nước hơn và cũng không được nhịn tiểu – vì như thế sẽ có thể gây ra thiếu nước cho cơ thể và nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Để giảm thiểu số lần phải dậy để đi tiểu ban đêm, bạn hạn chế uống nhiều nước trong vòng vài tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Ngưng sử dụng đồ uống chứa cafein vào buổi tối (như cà phê, trà,…), nước ngọt có ga và nhớ luôn đi tiểu trước khi đi ngủ.
Tử cung lớn dần “ lấn chiếm chỗ ” của bàng quang phía trước
Các dấu hiệu khác:
Tiết nước bọt:
Từ khi mang thai có thể bạn thấy trong miệng mình tiết nhiều nước bọt hơn. Tình trạng tăng tiết nước bọt này cũng là hiện tượng bình thường. Thêm vào đó, trào ngược dịch dạ dày hay ợ nóng, ợ chua – cũng là triệu chứng khi mang thai khá phổ biến mà các mẹ nào cũng từng trải qua.
Thay đổi nhu cầu tình dục:
Trong thời gian này, sự thay đổi kèm tăng hoạt động nội tiết tố và lưu lượng máu có thể ảnh hưởng đến âm đạo và âm vật của bạn, khiến chúng mềm mại và nhạy cảm hơn. Với một số phụ nữ, điều nãy dẫn đến nhu cầu tình dục ở mức cao hơn, khả năng đạt cực khoái nhiều và mạnh mẽ hơn. Một số người cảm thấy tình dục trở nên quyến rũ hấp dẫn lạ kì. Cho dù bạn cảm thấy thế nào, điều đó cũng hoàn toàn trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên cả hai vợ chồng nên hiểu và hòa hợp với nhau hơn vì những thay đổi khiến cả hai thấy bối rối, nên tránh để cả hai thấy lạc lõng, cảm thấy bị khước từ. Hai bạn cần tiếp xúc thể xác nhiều hơn là giao hợp, như là ôm ấp, đụng chạm và cọ xát nhau cũng là cách để giữ gắn kết gần gũi với nhau.
Cử chỉ thân mật giúp cả hai gắn kết hơn
Một số mẹ có cảm thấy khó thở, hụt hơi do sự thay đổi trong hệ tuần hoàn và hô hấp khi mang thai. Nếu như điều này trở nên nặng nề hơn và ảnh hưởng nhiều cuộc sống của bạn, hãy đến gặp bác sỹ để được hỗ trợ.
Đầy hơi, táo bón cũng được khi nhận trong 3 tháng đầu. Bạn nên uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh và chịu khó vận động đi lại nhẹ nhàng, tránh ngồi ở một tư thế quá lâu.
Thay đổi cảm giác nhiệt độ: Vừa lúc nãy bạn thấy lạnh cóng, nhưng chỉ chưa đến nửa tiếng bạn khó chịu vì quá nóng. Hay khi chồng đang lạnh run thì bạn cảm thấy vô cùng nóng nực mặc dù bạn không hề sốt. Điều thú vị này hầu như ai cũng trải qua là do thay đổi nội tiết khi mang thai.
Tóm tắt
Trên đây là những dấu hiệu thường gặp ở người phụ nữ trong thai kỳ, nhưng không đồng nghĩa là khi gặp các dấu hiệu trên là chắc chắn có thai. Mỗi người phụ nữ đều có các dấu hiệu báo có thai khác nhau hoặc thậm chí các triệu chứng cũng khác nhau giữa các lần mang thai. Ngoài ra, các triệu chứng ban đầu của thai kỳ thường giống với các triệu chứng có thể gặp phải ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt, đôi lúc chúng ta khó nhận ra mình đang mang thai. Cách duy nhất để biết chắc chắn là thăm khám, siêu âm và/hoặc xét nghiệm máu tại cơ sở y tế.
Việc nhận biết được sớm các dấu hiệu mang thai sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, đồng thời giúp người thân, bạn bè thấu hiểu nhiều hơn cho sự thay đổi của bạn, cùng nhau đồng hành để vượt qua khoảng thời gian mang thai đầy niềm vui cũng như bỡ ngỡ phía trước, và mẹ tròn con vuông bạn nhé!
Hải Long tổng hợp
Bài viết đã được kiểm duyệt bởi nhóm Chuyên gia Bác sĩ