Sunday, May 11, 2025
HomeSức khỏe thai kỳBa tháng đầuSự phát triển của thai nhi trong ba tháng đầu thai kỳ

Sự phát triển của thai nhi trong ba tháng đầu thai kỳ

Bạn đã có thai – chúc mừng bạn! Chắc hẳn bạn cùng người thương sẽ dành nhiều tháng tới để tự hỏi em bé của mình đang lớn lên và phát triển như thế nào? Em bé của bạn sẽ trông ra sao, phải không? Vậy bạn có biết rằng sự phát triển của thai nhi bắt đầu ngay sau khi thụ thai. Cùng Babymomcare tìm hiểu sự phát triển của em bé trong 3 tháng đầu tiên qua các sự kiện xảy ra hằng tuần dưới đây nhé!

Tuần 1 – 2: Sự chuẩn bị sẵn sàng cho mang thai

Điều này có vẻ lạ, nhưng bạn không thực sự có thai trong hai tuần đầu tiên của thời gian thai kỳ này. Bạn có thắc mắc vì sao lại như thế không? Đó là do cách quy ước tính tuổi thai hiện nay trên toàn thế giới. Việc xác định tuổi thai lâm sàng được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Việc thụ tinh thường xảy ra khoảng hai tuần sau khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn. Do đó, 1 tuần sau thụ tinh tương ứng với khoảng 3 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh cuối ở phụ nữ có chu kỳ 28 ngày đều đặn. Ví dụ, một thai 8 tuần tức là được tính đến hoàn thành 8 tuần sau ngày đầu kỳ kinh cuối.

Tuần 3 – 4: Quá trình thu tinh và làm tổ của phôi thai

Quá trình thụ tinh sẽ diễn ra ở tuần thứ 3. Sau khi quan hệ, tinh trùng di chuyển một quãng đường đến ống dẫn trứng là 20 cm với tốc độ 5mm/phút. So với kích thước nhỏ bé của tinh trùng – chiều dài chỉ khoảng 0.065 – 0.07 mm, nó có tốc độ đáng kinh ngạc – ước tính bơi nhanh nhất mất khoảng 30 – 45 phút, chậm nhất cũng khoảng 12 tiếng. Trong trường hợp không gặp được trứng, tinh trùng phải đợi từ 2 – 3 ngày cho đến khi trứng xuất hiện, thời gian tối đa tinh trùng có thể ở trong cơ thể người phụ nữ lên tới 5 ngày. Sau khi gặp được nhau, tinh trùng và trứng hợp nhất tại ống dẫn trứng để tạo thành hợp tử.

Hợp tử thường có 46 nhiễm sắc thể — 23 nhiễm sắc thể từ bố và 23 nhiễm sắc thể từ mẹ. Những nhiễm sắc thể này giúp xác định giới tính và các đặc điểm thể chất của em bé. Ngay sau khi thụ tinh, hợp tử di chuyển xuống từ ống dẫn trứng về phía lòng tử cung. Đồng thời, nó vừa di chuyển vừa bắt đầu phân chia để tạo thành tập hợp nhiều tế bào – được gọi là phôi dâu (phôi hình dạng giống như quả dâu tằm) và phôi nang (phôi có nang chứa dịch bên trong).

Ngày thứ 6 – 7 sau thụ tinh, phôi nang sau khi vào lòng tử cung sẽ chui vào niêm mạc tử cung và nằm tại đó – gọi là quá trình làm tổ. Từ đó phát triển thành phôi thai và nhau thai để nuôi dưỡng em bé.

Quá trình nhân lên và di chuyển của phôi

Tuần thứ 5 – 6: Sự hình thành đầu tiên

Tuần thứ 5 của thai kỳ, hoặc 3 tuần sau thụ thai, sự thay đổi nồng độ các hormone sẽ làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt của bạn, và cũng chính nhờ các hormon này thúc đẩy sự phát triển của nhau thai. Dấu hiệu đầu tiên thường thấy ở thai kỳ chính là sự trễ kinh.

Phôi bây giờ cấu tạo ba lớp. Lớp tế bào bên ngoài – gọi là lớp ngoại bì sẽ hình thành nên lớp da, hệ thần kinh, mắt và tai trong của bé. Trái tim và một hệ thống tuần hoàn nguyên thủy sẽ hình thành từ lớp nằm ở giữa – gọi là lớp trung bì. Lớp tế bào này cũng sẽ đóng vai trò là nền tảng hình thành xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ thống sinh sản của bé. Lớp tế bào bên trong cùng — lớp nội bì là nơi từ đó phổi, gan và ruột của bé sẽ phát triển.

Ba lớp phôi: Nội bì, trung bì và ngoại bì. 

Lúc này, ống thần kinh (não, tủy sống và các mô thần kinh khác của hệ thần kinh trung ương) hình thành. Ống “trái tim” nhỏ bé này sẽ đập 110 lần một phút vào cuối tuần thứ năm. Nhưng lúc này dấu hiệu tim bé rất nhỏ để bác sĩ có thể phát hiện được tim thai qua siêu âm.

Phôi thai khoảng tuần thứ 5.

Tuần thứ 6, lúc này phôi phát triển hơn, bác sĩ đã có thể phát hiện nhịp tim thai khi siêu âm qua ngả âm đạo. Những chồi nhỏ trở thành tay và chân cũng đã mọc lên. Các tế bào máu đang hình thành và quá trình lưu thông máu sẽ được bắt đầu. Các cấu trúc sơ khởi để trở thành tai, mắt và miệng đã xuất hiện.

Hình ảnh phôi thai khoảng cuối tuần thứ 6.

Tuần thứ 7 – 8: Sự hình thành đầu và mặt

Tuần thứ 7 của thai kỳ, hoặc 5 tuần sau khi thụ thai, xương bắt đầu thay thế sụn mềm và bộ phận sinh dục bắt đầu hình thành. Đầu của bé nhìn lớn hơn so với phần còn lại của cơ thể. Bộ não và khuôn mặt của bé dần phát triển. Các vết lõm như trong hình sẽ tạo ra lỗ mũi và có một sự khởi đầu hình thành của võng mạc mắt. Các chồi chi dưới sẽ trở thành chân dần dần xuất hiện và các chồi tay đã mọc vào tuần trước giờ đã có hình dạng mái chèo. Giờ nhìn bé giống một con nòng nọc nhỏ hoặc cá ngựa với cái đầu lớn.

Phôi thai phát triển sau 7 tuần.

Tuần thứ 8 thai kỳ, hoặc sáu tuần sau khi thụ thai, hầu như tất cả các cơ quan chính và hệ thống cơ thể đã hình thành. Bé có bàn tay và bàn chân giống như mái chèo. Các ngón đã bắt đầu hình thành. So với tuần trước, mắt trở nên rõ ràng hơn và bộ phận hình vỏ sò như hình sẽ phát triển thành tai trong tương lai. Môi trên và mũi đã hình thành. Thân và cổ bắt đầu thẳng hơn. Dây rốn được phát triển đầy đủ giúp vận chuyển oxy và máu đến phôi thai.

Sau tuần thứ 8, vì các hệ cơ quan hầu như đã hình thành và bước sang thời kì tăng trưởng phát triển. Do đó, quá trình chuyển đổi từ thời kỳ phôi sang thời kỳ thai nhi đã hoàn tất. Vào lúc này, chiều dài bé tính từ đỉnh đầu đến mông dài khoảng 11 đến 14 mm — bằng kích thước của một hạt đậu đen.

Hình minh họa phôi thai sau 8 tuần.

Tuần thứ 9 – 10: Sự hoàn thiện tứ chi của bé

Vào tuần thứ 9 của thai kỳ, hoặc 7 tuần sau khi thụ thai, cánh tay của em bé phát triển và khuỷu tay xuất hiện, các ngón chân đã có thể nhìn thấy. Sự khởi đầu của răng và mí mắt đang hình thành. Cơ bắp của bé đang hình thành và hình dạng cơ thể của bé trông giống con người hơn nhưng đầu của bé vẫn lớn so với thân mình. Vào cuối tuần này, em bé của bạn có thể dài khoảng 16 đến 18 mm tính từ đỉnh đầu đến mông — bằng ½ tai nghe airpod của bạn.

Hình minh họa thai nhi sau 9 tuần.

Vào tuần thứ 10 của thai kỳ, hoặc 8 tuần sau khi thụ thai, đầu của em bé đã trở nên tròn hơn. Cánh tay, bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân được hình thành đầy đủ. Các ngón tay và ngón chân mất màng và trở nên dài hơn. Móng tay và móng chân bắt đầu phát triển. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Bộ phận sinh dục ngoài cũng bắt đầu hình thành, nhưng còn quá sớm để nhìn thấy chúng trên siêu âm. Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng.

Hình minh họa thai nhi sau 10 tuần.

Tuần thứ 11 – 12: Bộ phận sinh dục bé phát triển

Vào đầu tuần thứ 11 của thai kỳ, hoặc tuần thứ 9 sau khi thụ thai, đầu của thai nhi vẫn lớn hơn so với thân mình, tuy nhiên không còn chênh lệch lớn như trước. Lúc này, khuôn mặt lớn hơn trước, hai mắt cách xa nhau, các đặc điểm trên khuôn mặt trở nên rõ ràng hơn. Các nụ để trở thành răng trong tương lai xuất hiện. Thai nhi bắt đầu có những vận động như là ở miệng; khuỷu tay, đầu gối và cổ chân cũng hoạt động, nhưng còn quá sớm để cảm thấy bất kỳ một cử động nào của thai từ người mẹ. Vào cuối tuần này, cơ quan sinh dục ngoài của bé sẽ bắt đầu phát triển thành dương vật hoặc âm vật và môi lớn. Chiều dài bé lúc này khoảng 50 mm tính từ đỉnh đầu đến mông — tương đương chiều dài của cạnh ngắn của một chiếc thẻ ATM và nặng khoảng 8 gam.

Hình minh họa thai nhi lúc khoảng 11 – 12 tuần.

Vào tuần thứ 12 của thai kỳ, hoặc 10 tuần sau khi thụ thai, khuôn mặt bây giờ đã có những đường nét phát triển hơn. Tất cả các cơ quan, tứ chi, xương và cơ đều có mặt và sẽ tiếp tục phát triển để có đầy đủ chức năng. Hệ thống tuần hoàn, tiêu hóa và tiết niệu cũng hoạt động và gan sản xuất mật. Bé đã uống và tiểu ra nước ối. Lúc này, thai nhi có thể dài khoảng 65 – 75 mm tính từ đỉnh đầu đến mông — bằng với chiều dài của cạnh ngắn tờ tiền và nặng khoảng 14 gam.

Hình siêu âm thai trong tử cung khoảng 12 tuần 3 ngày – Chiều dài đầu mông 59.6 mm

Quá trình hình thành bé thật diệu kỳ

Có rất nhiều điều xảy ra để một thai kỳ hình thành, phát triển và đi đến đích: chuyển dạ. Trong đó, ba tháng đầu tiên thực sự quan trọng vì đó là lúc những nụ mầm đầu tiên cơ quan bé xuất hiện, tạo tiền đề cho phát triển sau này. Tìm hiểu về quá trình phát triển của bé rất thú vị và giúp bạn hiểu hơn về em bé của mình. Đặc biệt là khi bạn nhận ra có bao nhiêu cơ quan, hệ thống và chức năng cơ thể hình thành chỉ từ những tế bào nhỏ bé đầu tiên.

Ba tháng đầu thai kỳ là bước đầu tiên hình thành hệ thống cơ quan bé, bất cứ thuốc hay sản phẩm nào bạn sử dụng đều có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình này. Do đó, bạn và người thân nên lưu ý, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên có sự tư vấn của bác sĩ.

Sau ba tháng đầu thai kỳ, vì giai đoạn phát triển quan trọng nhất đã diễn ra nên nguy cơ sảy thai của bạn sẽ giảm đáng kể. Hầu hết mọi người cũng bắt đầu cảm thấy bớt ốm nghén hơn. Và đừng quên, khi cảm thấy bất kỳ điều gì bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để nhận được hỗ trợ tốt nhất nhé!

Hải Long tổng hợp

Bài viết đã được kiểm duyệt bởi nhóm Chuyên gia Bác sĩ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Phổ biến

Bình luận mới nhất