Nếu trong trường hợp bắt buộc phá thai, hãy phá thai an toàn để bảo vệ bản thân khỏi những biến chứng có thể xảy ra. Vậy thế nào là phá thai an toàn? Cùng Babymomcare.vn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Thế nào là phá thai an toàn
Phá thai hay còn gọi là đình chỉ thai nghén, đây là kết thúc chu kỳ thai nghén trước thời gian sinh nở. Phá thai an toàn là phá thai tại các cơ sở y tế đạt chuẩn, được thực hiện bởi y bác sĩ có kiến thức chuyên môn, kỹ năng tốt, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ và môi trường đảm bảo.
Phá thai an toàn giúp bệnh nhân hạn chế tối đa các biến chứng về sau.
Các phương pháp phá thai an toàn
Tuỳ theo tuổi thai mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp phá thai an toàn và phù hợp. Các giai đoạn được chia như sau:
- Phá thai trong 3 tháng đầu
- Phá thai 3 tháng giữa
Phá thai trong 3 tháng đầu
Có 2 phương pháp để lựa chọn khi muốn chấm dứt thai kỳ trong 3 tháng đầu, tức là từ tuần 6 đến hết tuần 12, tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng:
Phá thai bằng thuốc
- Phương pháp này sử dụng 2 loại thuốc là Mifepristone và Misoprotol để ngưng sự phát triển của phôi thai và tách phôi thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Thuốc sẽ kích thích co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài, như nguyên lý của sẩy thai tự nhiên.
- Được chỉ định đối với thai từ 7 tuần trở xuống.
- Hiệu quả từ 96-98%
Lưu ý: Theo quy định của Bộ Y Tế, phương pháp phá thai bằng thuốc phải do bác sĩ chuyên môn thực hiện, và chỉ thực hiện ở tuyến tỉnh. Bệnh nhân KHÔNG ĐƯỢC tự ý mua thuốc và sử dụng.
Phá thai bằng thuốc được chỉ định đối với thai 7 tuần tuổi trở xuống
Phá thai bằng hút thai:
- Phương pháp sử dụng dụng cụ hút chân không để chấm dứt thai nghén. Khi đó phôi thai sẽ được hút bằng 1 ống nano siêu dẫn có độ đàn hồi cao đưa vào buồng tử cung, đồng thời bác sĩ sẽ kết hợp theo dõi hình ảnh siêu âm bên trong tử cung để hút toàn bộ phôi thai một cách chính xác, tránh sót thai.
- Phương pháp này được chỉ định đối với thai từ 6 đến hết 12 tuần.
- Hiệu quả đến 98%
Phá thai 3 tháng giữa
Thai 3 tháng giữa được chỉ định sử dụng phương pháp nong và gắp để chấm dứt thai nghén:
- Áp dụng đối với thai từ 13 đến 18 tuần.
- Trước khi thực hiện, thai phụ sẽ được uống thuốc với mục đích dừng sự phát triển của thai và tiến hành gây tê. Sau đó bác sĩ sẽ nong rộng cổ tử cung rồi dùng dụng cụ chuyên dụng để nạo phôi thai ra khỏi niêm mạc tử cung, cuối cùng thai nhi sẽ được kẹp gắp đưa ra ngoài.
- Phương pháp này cần được thực hiện bởi cán bộ y tế đã được đào tạo, có kỹ năng và kinh nghiệm, tại các cơ sở y tế đạt chuẩn để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng sau phá thai vẫn sẽ cao hơn khi phá thai trong 3 tháng đầu.
* Lưu ý:
- Thai từ 17 đến 22 tuần có thể chấm dứt thai nghén bằng phương pháp sinh non.
- Theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.
Bạn cần làm gì trước và sau khi phá thai
Trước khi phá thai:
- Phá thai là một quyết định quan trọng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng về sau. Bạn cần cân nhắc thật kỹ, tìm hiểu thông tin về cơ sở y tế cũng như phương pháp phá thai phù hợp để đảm bảo an toàn cho bản thân.
- Sự có mặt và động viên, an ủi của gia đình, bạn bè sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm và bình tĩnh hơn. Hãy nhờ người mà bạn cảm thấy tin tưởng đi cùng.
- Khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được kiểm tra sức khoẻ, làm một số xét nghiệm, siêu âm theo quy định. Đồng thời bạn cũng sẽ được tư vấn và giải thích rõ về phương pháp phá thai phù hợp.
- Nếu còn điều gì thắc mắc bạn nên chia sẽ với cán bộ y tế trước khi thực hiện.
- Bạn cần ký vào bản cam kết phá thai.
Khi quá trình phá thai diễn ra, bạn cần làm theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.
Làm theo sự hướng dẫn của y bác sĩ xuyên suốt quá trình thực hiện
Sau khi phá thai:
- Uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh lao động nặng. Ăn uống đầy đủ chất để cơ thể mau chóng phục hồi.
- Tắm rửa, vệ sinh và thay băng vệ sinh thường xuyên như kỳ kinh nguyệt cho đến khi ra hết máu.
- Không thụt sửa sâu trong âm đạo
- Đến tái khám theo quy định của bác sĩ (thường là 2 tuần sau thực hiện phá thai)
- Nếu có quan hệ tình dục, hãy sử dụng biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế (sau khi phá thai 10-14 ngày bạn sẽ có khả năng có thai nếu quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai).
Dấu hiệu thường gặp sau khi phá thai
Sau khi phá thai bằng thuốc
- Đa số sẽ thấy máu ra như hành kinh trong vòng 10 ngày kể từ khi uống thuốc. Tuy nhiên một số ít có thể thấy ra máu nhẹ và kéo dài hơn.
- Một số có thể bị sốt (có thể kèm ớn lạnh) trong vài giờ. Nhưng sẽ không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng qua đi.
Sau khi hút thai:
- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu giống một kỳ kinh bình thường và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu, sau đó giảm dần.
Sau khi phá thai bằng phương pháp nong và gắp:
- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu. Nếu các dấu hiệu trên nặng lên thì bạn cần liên hệ với cơ sở y tế.
Các dấu hiệu bất thường sau khi phá thai
Bạn nên quay lại cơ sở y tế kiểm tra sớm nhất nếu thấy một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng ngày càng tăng
- Ra máu nhiều, kéo dài trên 1 tuần và lượng máu không giảm đi
- Sốt trên 38 độ hoặc ớn lạnh, kéo dài hơn 2 giờ
- Khí hư có mùi hôi
- Không ra máu trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc lần 2 ( đối với phá thai bằng thuốc)
Dù phá thai an toàn thì việc phá thai vẫn mang đến nhiều tác hại đối với sức khoẻ nói chung, sức khoẻ sinh sản nói riêng của phụ nữ. Vì vậy, nếu chưa muốn có con, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai để hạn chế việc mang thai không mong muốn. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải phá thai, hãy tìm hiểu kỹ và chăm sóc tốt bản thân sau khi thực hiện thủ thuật để không ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.