Sunday, April 20, 2025
HomeKế hoạch gia đìnhĐình chỉ thai nghénTổng quan về đình chỉ thai nghén (phá thai)

Tổng quan về đình chỉ thai nghén (phá thai)

Đình chỉ thai nghén (phá thai) là sự kết thúc chu kỳ thai nghén trước thời hạn sinh nở vì nhiều lý do. Việc chấm dứt thai kỳ dù bằng phương pháp nào đi nữa, vẫn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chị em phụ nữ cần trang bị cho mình những kiến thức hữu ích để chủ động và chăm sóc bản thân tốt hơn nếu không may cần thực hiện các biện pháp đình chỉ thai kỳ.

Đình chỉ thai nghén (phá thai) là gì?

Đây là việc kết thúc chu kỳ thai nghén bằng cách loại bỏ phôi thai hoặc lấy thai nhi ra khỏi tử cung trước thời hạn sinh nở. Căn cứ vào tuổi thai, việc phá thai có thể được thực hiện bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.

Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới (sau Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ và Ukraina) với khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.

Lựa chọn phá thai là một quyết định khó khăn đối với mọi phụ nữ và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về tâm sinh lý, đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh về sau.

Các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ thai nghén

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định phá thai:

Mang thai ngoài ý muốn

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến phá thai. Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, có hơn 38.000 trường hợp phá thai do thai ngoài ý muốn trong 2 năm 2016-2017, trong khi đó tổng số ca sinh nở trong một năm là vào khoảng 60.000 – 65.000 ca. Đây là con số báo động cho hiện trạng phụ nữ vẫn chưa được giáo dục giới tính một cách triệt để, hoặc cho tâm lý chủ quan, không chăm sóc tốt sức khoẻ sinh sản của bản thân.

Bất thường ở thai nhi:

  • Thai nhi bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh: có thể kể đến các trường hợp như khuyết tật ống thần kinh, khuyết tật lồng ngực và khớp, gai đôi cột sống; nghiêm trọng hơn là khuyết tật tim, điếc, mù, chậm phát triển trí tuệ…
  • Thai quá yếu do bị chấn động mạnh
  • Thai chết lưu trong tử cung

Sức khoẻ người mẹ không đảm bảo, không thể tiếp tục thai kỳ:

Đó là các bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của mẹ và bé, chẳng hạn như bệnh tim nặng, bệnh lao đang tiến triển, basedow nặng, ung thư đang điều trị bằng tia xạ, AIDS giai đoạn cuối…

Mang thai ngoài ý muốn là lý do phổ biến nhất dẫn đến phá thai

Các phương pháp phá thai

Tuỳ thuộc vào độ tuổi và kích thước thai nhi, các y bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phá thai phù hợp và hạn chế biến chứng nhất có thể đối với thai phụ. Babymomcare lưu ý các chị em cần đến các cơ sở được cấp phép của Nhà nước để được tư vấn cụ thể.

Có 4 phương pháp chính thường được sử dụng:

Phá thai bằng thuốc

Phương pháp này được sử dụng đối với thai nhi từ 5-7 tuần tuổi, khi phôi thai đã đi vào buồng tử cung và thai phụ không mắc các bệnh lý như rối loạn đông máu, thiếu máu nặng và không dị ứng với các thành phần của thuốc.

Phương pháp này dựa trên cơ chế sảy thai tự nhiên, không can thiệp phẫu thuật. Đơn thuốc thường là Mifepristone và/ hoặc Misoproton, có tác dụng làm ngưng sự phát triển của phôi thai và tách túi thai ra khỏi niêm mạc tử cung.

Sản phụ cần tái khám sau 14 ngày thực hiện thủ thuật phá thai bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần đến bệnh viện ngay để kiểm tra. Dù phương pháp này khá đơn giản và an toàn, nhưng vẫn cần được thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về nhà tự thực hiện.

Phá thai bằng hút chân không

Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Phương pháp này chỉ định đối với thai nhi từ 6-12 tuần tuổi, đã nằm trong tử cung và người mẹ không bị mắc các bệnh lý cũng như không dị dạng ở bộ phận sinh dục.

Phương pháp này được thực hiện nhanh chóng, chỉ mất từ 10-15 phút. Khi đó phôi thai sẽ được hút bằng 1 ống nano siêu dẫn có độ đàn hồi cao đưa vào buồng tử cung, đồng thời bác sĩ sẽ kết hợp theo dõi hình ảnh siêu âm bên trong tử cung để hút toàn bộ phôi thai một cách chính xác, tránh sót thai.

Dù được thực hiện nhanh chóng và ít gây đau đớn, nhưng đây vẫn là phương pháp có sự tiếp xúc của dụng cụ y tế vào bên trong tử cung, nên cần được thực hiện tại các trung tâm y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn để hạn chế biến chứng như: thủng tử cung, băng huyết, nhiễm trùng,…

Nong – Nạo gắp thai

Khi thai nhi đã quá lớn, từ 13-18 tuần tuổi, phương pháp này sẽ được chỉ định. Trước khi thực hiện, thai phụ sẽ được uống thuốc với mục đích dừng sự phát triển của thai và tiến hành gây tê. Sau đó bác sĩ sẽ nong rộng cổ tử cung rồi dùng dụng cụ chuyên dụng để nạo phôi thai ra khỏi niêm mạc tử cung, cuối cùng thai nhi sẽ được kẹp gắp đưa ra ngoài.

Sinh non

Phương pháp này được chỉ định đối với thai từ 17 – 22 tuần. Đây là phương pháp nguy hiểm nhất trong các phương pháp phá thai, chỉ sử dụng trong trường hợp không thể áp dụng các phương pháp khác và cần được thực hiện bằng trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn cao.

Đối với phương pháp này, thai phụ sẽ được kích thích để tử cung co bóp như một ca chuyển dạ bình thường. Sau khi phá thai thành công, thai phụ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc chu đáo để hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Việc lựa chọn phương pháp phá thai phụ thuộc vào tuổi thai và sức khoẻ thai phụ

Biến chứng của phá thai

Phá thai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, nhất là khi không được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Các biến chứng thường gặp nhất có thể kể đến:

  • Sót thai do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai gây rong huyết.
  • Tổn thương cổ tử cung do thao tác thực hiện không đúng kỹ thuật, gây viêm nhiễm, nặng hơn có thể gây băng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ.
  • Tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do sử dụng dụng cụ không đạt chuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Có nguy cơ dẫn đến vô sinh.
  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung.
  • Sốc thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật
  • Thủng tử cung

Cần làm gì để hạn chế tối đa các biến chứng?

Tuỳ theo phương pháp thực hiện, y bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cho thai phụ cách chăm sóc sau thủ thuật. Dưới đây là một số lưu ý cơ bản:

  • Nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống hợp lý sau khi thực hiện
  • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, nếu phát hiện viêm nhiễm cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sớm nhất
  • Uống thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ

Phá thai có vi phạm pháp luật hay không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai như sau: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.”

Như vậy, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng:

  • Theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Nếu vi phạm quy định về phá thai thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP

Việc phá thai, dù với phương pháp nào cũng để lại hậu quả đối với sức khoẻ, tâm lý của người phụ nữ. Chị em cần trang bị cho mình những kiến thức về phòng tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn. Trong trường hợp cần đình chỉ thai nghén, hãy tìm hiểu kỹ thông tin để bảo vệ sức khoẻ và tương lai của chính mình.

Quỳnh Lâm tổng hợp

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Phổ biến

Bình luận mới nhất